Tại kỳ họp thứ 17, Hội đồng nhân dân Tp. HCM khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 (diễn ra từ ngày 15 – 17/7), Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Tp. HCM Trần Quang Lâm trình bày Tờ trình về Đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị Tp. HCM theo Kết luận số 49 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Giám đốc Sở GTVT Tp. HCM Trần Quang Lâm báo cáo về đề án tại kỳ họp thứ 17, Hội đồng nhân dân Tp. HCM khóa X.
Theo ông Lâm, đường sắt đô thị là trục “xương sống” của hệ thống hạ tầng giao thông vận tải của thành phố. Phát triển hệ thống đường sắt đô thị là tất yếu khách quan, là động lực quan trọng cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững của thành phố trong thời gian tới.
Theo đó, thành phố sẽ tập trung đầu tư phát triển hệ thống đường sắt đô thị có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình, bước đi cụ thể, phù hợp với điều kiện và kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Đồng thời, huy động tối đa mọi nguồn lực đầu tư hệ thống đường sắt đô thị. Trong đó, ngân sách Nhà nước giữ vai trò chủ đạo.
Mục tiêu của Đề án là hình thành phương thức vận tải văn minh, hiện đại, góp phần tái cấu trúc hệ thống giao thông công cộng của Tp. HCM, xây dựng văn hóa giao thông, giảm ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường. Phấn đấu tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đến năm 2030 đảm nhận từ 15 - 20%, đến năm 2035 đạt 40 - 50% và sau năm 2035 đạt 50 - 60%.
Theo đó, TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2035, xây dựng hoàn thành khoảng 183 km đường sắt đô thị. Cụ thể: Tuyến đường sắt đô thị số 1 là 40,8km/40,8km; Tuyến đường sắt đô thị số 2 là 20,22km/62,8km; Tuyến đường sắt đô thị số 3 là 29,53km/62,17km; Tuyến đường sắt đô thị số 4 là 36,82km/43,4km; Tuyến đường sắt đô thị số 5 là 32,5km/53,87km; Tuyến đường sắt đô thị số 6 là 22,85km/53,8km.
Đến năm 2045, xây dựng thêm khoảng 168,36 km để hoàn thiện 7 tuyến đường sắt đô thị (theo Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Tp. HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060), nâng tổng chiều dài đường sắt đô thị lên khoảng 351,08 km. Cụ thể: Tuyến đường sắt đô thị số 2 là 42,58km; Tuyến đường sắt đô thị số 3 là 32,64km; Tuyến đường sắt đô thị số 4 là 6,58km; Tuyến đường sắt đô thị số 5 là 21,37km; Tuyến đường sắt đô thị số 6 là 30,95km; Tuyến đường sắt đô thị số 7 là 51,23km/51,23km.
Đến năm 2060, xây dựng hoàn thành các tuyến đường sắt đô thị còn lại theo quy hoạch được duyệt, nâng tổng chiều dài đường sắt đô thị lên khoảng 510,02km. Cụ thể: Tuyến đường sắt đô thị số 8 là 42,8km/42,8km; Tuyến đường sắt đô thị số 9 là 28,3km/28,3km; Tuyến đường sắt đô thị số 10 là 87,84km/87,84km.
Tổng nhu cầu vốn đầu tư xây dựng và vận hành khai thác sơ bộ (chưa bao gồm lãi vay trong quá trình xây dựng) giai đoạn từ nay đến năm 2035 là khoảng 837.249 tỷ đồng (tương đương 34,92 tỷ USD), không bao gồm vốn đầu tư tuyến đường sắt đô thị số 1. Trong đó, giai đoạn từ nay đến 2025 cần khoảng 7.188 tỷ đồng (0,3 tỷ USD). Giai đoạn năm 2026-2030 khoảng 478.065 tỷ đồng (19,94 tỷ USD). Giai đoạn năm 2031-2035: khoảng 351.996 tỷ đồng (14,68 tỷ USD).
Đề án cũng đề xuất cho phép Tp. HCM thành lập Tổng Công ty Đường sắt đô thị do thành phố nắm 100% vốn điều lệ, có chức năng huy động vốn, quản lý đầu tư xây dựng và kinh doanh đa ngành để khai thác hiệu quả các tài sản thuộc quản lý của Tổng Công ty...
Dự kiến trong tháng 7, Tp. HCM sẽ báo cáo Chính phủ về đề án, trình Bộ Chính trị xin ý kiến trong quý 3/2024 và dự kiến trình Quốc hội vào cuối năm 2024.